VĂN HOÁ ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI NHẬT

Nhật Bản là quốc gia được biết đến với nhiều lễ nghi và quy tắc hành xử, phong cách ứng xử của người Nhật cũng nổi tiếng lịch sự, nhã nhặn. Bài viết sẽ chia sẻ với các bạn về Văn hóa ứng xử của người Nhật giúp các bạn thực tập sinh hiểu và nhanh chóng thích nghi với môi trường sống và làm việc tại Nhật Bản.

 

Theo các tài liệu, văn hoá ứng xử của người Nhật đã được hình thành từ rất lâu. Do điều kiện cùng sinh sống trong một không gian chật hẹp nên buộc họ phải đặt ra những quy tắc trong ứng xử giúp cho cuộc sống thuận lợi hơn. Những quy tắc ứng xử này được gọi chung là Edo Shigusa.

 

Chào hỏi

Một trong những quy tắc ứng xử đầu tiên cần phải học khi đến Nhật là chào hỏi. Truyền thống chào hỏi của người Nhật là cúi đầu trước người khác, đối với người lớn tuổi và có địa vị cao họ thường cúi thấp hơn để thể hiện sự tôn kính, khoảng 15 độ khi chào hỏi xã giao hàng ngày, khoảng 30 độ khi chào hỏi có phần trang trọng và gập người 45 độ để cảm ơn ai đó. Vì vậy, đừng quên cúi đầu đáp lễ khi một người Nhật Bản chào bạn.

 

Nơi công cộng

Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia ở châu Á duy trì quy tắc giao thông bên trái. Do đó, khi đi lại ở Nhật, bạn luôn phải đi ở phía bên trái đường.

Tại các điểm công cộng như bến tàu, bến ga hoặc trên tàu điện, bạn không nên gọi điện thoại hoặc nói chuyện quá to. Điều này sẽ gây khó chịu cho những người xung quanh. Thông thường người Nhật sẽ để điện thoại ở chế độ im lặng khi sử dụng các phương tiện công cộng.

Luôn phải xếp hàng để lên tàu hoặc xe. Luôn nhường ghế cho trẻ nhỏ, người già, người khuyết tật và phụ nữ có thai.

Nơi ở

Trước khi bước vào bất cứ ngôi nhà nào ở Nhật Bản, bạn phải cởi bỏ giày dép để ở ngoài cửa. Ở trong nhà, thường các gia đình có dép đi riêng, nhưng ở những phòng có nền bằng chiếu tatami thì không. Với các phòng này, bạn phải đi lên phần sàn có chiếu tatami.

Tại Nhật Bản, nhà ở thường là chung cư hoặc nằm sát gần nhau, tường khá mỏng nên rất dễ gây những tiếng động ảnh hưởng đến hàng xóm. Ban đầu bạn có thể chỉ nghe thấy tiếng gõ nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc nụ cười trừ. Nhưng nếu không chú ý bạn có thể bị chủ nhà mời đi chỗ khác ở hoặc thậm chí có thể sẽ gặp rắc rối với cảnh sát. Vì vậy, hãy hạn chế tối đa tiếng ồn nhất là khi đã khuya: nhảy, đi lại mạnh trên sàn nhà, sập cửa khi ra vào, bật nhạc to, tụ tập bạn bè, tiếng xả nước, tắm lúc nửa đêm, dùng máy giặt, máy hút bụi vào buổi buổi đêm hoặc sáng sớm, nhiều nơi ở không cho phép nuôi thú nhỏ hoặc bạn sẽ phi trả thêm một khoản tiền nhất định để nuôi. Hãy xem kỹ hợp đồng thuê nhà hoặc hỏi văn phòng bất động sản trước khi mang thú nhỏ về nhà. Vứt rác đúng ngày,giờ và vứt vào đúng chỗ quy định. Một số nơi có vài chỗ tập kết rác cạnh nhau nên hãy hỏi xem nên vứt vào chỗ nào cho đúng. Làm sai một trong những quy định trên có thể sẽ bị người dân xung quanh nhắc nhở, thậm chí có thể bị phạt tiền.

 

Nơi làm việc

Người Nhật rất quý và tôn trọng thời gian vì vậy khi làm việc, hội họp…bạn cần tuyệt đối đúng giờ,  khái niệm đúng giờ nghĩa là bạn phải có mặt trước giờ hẹn 5 đến 15 phút.

Người nhật làm việc luôn tạo ra kết quả và hiệu quả làm việc tối ưu. Sự nghiêm túc được thể hiện bới tính kỉ luật và bằng cách tuân thủ quy tắc công ty, tập trung cao độ trong công việc, nhận sai khi mắc lỗi và phải chân thành sửa chữa.

Nếu như người Mỹ đề cao vai trò cá nhân thì người Nhật lại coi trọng giá trị tập thể, luôn hướng đến sự đồng tâm hợp lực để đạt được kết quả cao nhất.  Vì vậy, khi làm việc tại Nhật Bản thực tập sinh phải luôn luôn nỗ lực và cố gắng vì mục tiêu chung.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *